Vụ án Cầu Chương Dương
Vụ án Cầu Chương Dương Nguyễn Việt Phương làm việc cho một công ty liên doanh sản xuất tivi Etron. Khi đó, hệ thống ngân hàng của Việt Nam hoạt động chưa tốt, nên các giao dịch chuyển tiền ở Việt Nam chủ yếu là trự c tiếp, không qua ngân hàng. Nhiệm vụ của em Phương là hàng tuần, chở bằng xe máy một bọc tiền khoảng 50 triệu đồng qua cầu Chương Dương, sang Gia Lâm, giao cho một phi công để người này hôm sau mang tiền vào thành phố Hồ Chí Minh.
Khoảng 7 giờ tối một ngày cuối năm Âm lịch, đầu năm Dương lịch 1993, (ngày 29 tháng 2 năm 1993), như thường lệ, Phương chở bọc tiền sang Gia Lâm, khi đi qua cầu Chương Dương, thì bị một cảnh sát giao thông gác ở đầu cầu chặn lại. Sau đó có tiếng súng nổ, và em Phương bị bắn chết. Công an Hà Nội đã kết luận đây là vụ chẳng may gây chết người trong khi thi hành công vụ. Nhưng theo anh Lát ( Bố nạn nhân) lại cho rằng đây là một vụ cướp không thành. Con ông bị bắn chết, nhưng bọc tiền 50 triệu chưa kịp bị lấy đi vì khi đó có một số nhân chứng chạy đến cấp cứu cho em Phương.
Những nhân chứng quan trọng
Buổi tối hôm xảy ra vụ án mạng, 2 anh xe ôm đang trên đường về nhà. Trời rét và đang là ngày giáp tết, nên họ về nhà sớm. Khi đang đi trên cầu Chương Dương về phía Gia Lâm, chợt họ nghe thấy có tiếng kêu yếu ớt “cướp, cướp, cứu với”. Tiếng kêu từ phía bên kia cầu vọng lại, phía đường đi về Hà Nội. Hai anh xe ôm dừng xe lại. Một anh nguyên là giáo viên dạy võ nói để mình sang bên kia cầu xem có chuyện gì.
Khi leo qua hàng lan can chắn giữa cầu, nhảy sang phần đường bên kia, thì anh thấy có một người nhỏ bé lảo đảo lao lại phía anh, ôm lấy người anh, nói nhỏ, yếu ớt “cướp đấy, cứu em với”, rồi gục xuống đường. Anh nhìn thấy một người đứng gần đấy, đội mũ công an. Có 2 chiếc xe máy đậu, quay đầu về phía Hà Nội.
Lúc này anh yên tâm vì thấy có công an, nên cúi xuống nâng người bị nạn dậy. Anh thấy có nhiều máu.
Anh xe ôm thứ hai lúc đó nhặt được một ống sắt có nhiều lỗ và đôi dép. Anh tiến lại một cái xe máy, thấy có một bọc to. Anh xe ôm thứ hai tò mò lấy tay nhấc nhấc chiếc túi. Viên cảnh sát vô tình nói :“tiền đấy”. Và theo anh xe ôm, thì khi đó bọc tiền nằm ở chiếc xe máy mới hơn, tức chiếc xe máy của viên cảnh sát, chứ không phải nằm ở chiếc xe máy cũ, tức chiếc xe máy của em Phương.
Có một xe ôtô đi lại. Anh xe ôm vẫy xe để đưa nạn nhân đi cấp cứu. Lúc này viên cảnh sát thứ hai xuất hiện, lo bảo quản hiện trường. Anh xe ôm thứ nhất cùng viên cảnh sát thứ nhất lên xe ôtô đưa nạn nhân đến bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Công an Hà Nội được thông báo ngay sự việc, viên cảnh sát thứ nhất bị bắt giam. Đó là trung úy cảnh sát giao thông Nguyễn Tùng Dương. Hôm đó, Dương cùng với một cảnh sát khác trong ca trực ở đầu cầu Chương Dương.
Sau đó, Công an Hà Nội nhiều lần mời 2 anh xe ôm lên làm việc. Nhân viên điều tra đưa cho anh xe ôm thứ hai xem một cái ống bơm xe đạp, hỏi anh xem đây có đúng là ống sắt anh đã nhặt được ở hiện trường nơi xảy ra vụ án mạng không. Anh kiên quyết không nhận. “Tôi nhìn thấy một ống sắt có nhiều lỗ, chứ không phải cái ống bơm xe đạp này. Tôi có phải là trẻ con đâu mà nhìn nhầm”. Cả hai anh xe ôm đều nói không hề nghe thấy tiếng súng nổ, mà chỉ nghe thấy tiếng kêu yếu ớt của em Phương “cướp, cướp, cứu em với”.
3 phát đạn
Em Nguyễn Việt Phương được nhân viên cảnh sát giao thông Nguyễn Tùng Dương đưa vào phòng cấp cứu khi em đã chết. Sau khi mời bác sĩ khám nghiệm tử thi, chị lấy sổ trực để ghi các thông tin về người chết. Viên cảnh sát giao thông đọc các thông tin về em Phương cho chị ghi. Đến phần nguyên nhân chết, viên cảnh sát giao thông nói em Phương bị tai nạn giao thông chết. Chị hỏi lại “tai nạn giao thông chết thì tại sao lại có vết đạn trên người?”. Khi đó Dương mới nói lại là “bị bắn”.
Theo phòng pháp y mổ tử thi. Xem xét bộ ảnh chụp tử thi em Phương để ở trên bàn. Trên những tấm ảnh này, thấy có 3 vết đạn, một ở hõm vai, gần cổ, một ở ngực, vùng tim, và một ở ngón tay cái. Ngón tay cái bị bắn thủng, gần đứt, cháy xém đen.
Theo bác sĩ nói là chỉ cần 1 trong 2 phát đạn trên người là đủ làm em Phương chết. Còn phát đạn thứ ba bắn xuyên qua ngón tay cái thì thật khó hiểu. Cả hai đầu đạn bắn vào người đều nằm lại trong người, không chui ra khỏi cơ thể nạn nhân, mặc dù bắn rất gần. Lý do sau đó rất dễ hiểu: viên bắn ở gần cổ xuyên dọc xuống phía thắt lưng, chui dọc theo chiều cơ thể nên hết lực, đến vùng thắt lưng thì nằm lại. Viên bắn vào ngực vì vướng phải xương sống, nên bị mắc lại ở xương sống phía sau lưng.
Tháng 5/1994, cuối cùng thì vụ việc cũng được đưa ra xét xử với một bản án khách quan và công tâm.
Súng cướp cò và tội vô ý khi thi hành công vụ!
Theo lời khai của Nguyễn Tùng Dương, tối hôm đó, anh ta cùng một cảnh sát khác trực ở đầu cầu Chương Dương. Khi Nguyễn Việt Phương phóng xe máy lên cầu để sang Gia Lâm, Dương thấy xe máy của Phương không có đèn, nên đuổi theo yêu cầu quay lại trạm cảnh sát để giải quyết. Sang tới đầu cầu phía Gia Lâm thì đuổi kịp, Dương bắt Phương quay xe lại trạm cảnh sát ở đầu cầu phía Hà Nội. Đến đây thì viên cảnh sát Nguyễn Tùng Dương thay đổi rất nhiều lời khai và nhiều mâu thuẫn phát sinh.
Trong đó có một lời khai như sau: Trong lúc đang kiểm tra Phương thì cảnh sát Nguyễn Tùng Dương vô tình làm rơi khẩu súng ngắn giắt bên người. Em Phương liền chộp lấy khẩu súng. Dương cũng vội chộp lấy tay em Phương để giằng súng lại. Hai bên giằng co nhau và súng bị cướp cò, em Phương trúng đạn, chết.
Sau này, Viện Kiểm sát còn phát hiện ra viên cảnh sát Dương đã sử dụng biển số giả để lắp vào xe máy của mình hôm xảy ra án mạng. Khẩu súng “bị cướp cò” làm chết em Phương cũng là khẩu súng đã bị cấp trên yêu cầu thu hồi từ trước, nhưng Dương chưa nộp. Cơ quan kỹ thuật hình sự của công an thì kết luận rằng khẩu súng này không lắp được ống giảm thanh.
Dựng lại đường đi của 2 viên đạn
Hôm đó, viên cảnh sát đuổi kịp Phương và yêu cầu em quay xe lại. Em Phương chấp hành, quay xe lại. Đến đoạn cầu tối, nơi có dòng nước sâu nhất, Dương bảo em Phương dừng xe lại. Em Phương dừng xe, dựng chân chống xe. Dương cũng dừng xe, dựng chân chống, rồi tiến lại phía em Phương, hoặc em Phương tiến lại gần Dương. Dương rút súng bắn vào ngực em Phương. Viên đạn xuyên vào ngực và bị mắc ở xương sống. Em Phương gục xuống, 2 tay ôm lấy người theo phản xạ tự nhiên. Một tay che vào chỗ đau, một tay quờ quạng ở cổ. Lúc này Dương bắn phát thứ hai. Vì em Phương đang quỵ người lom khom thấp xuống, nên viên đạn xuyên qua ngón tay cái của bàn tay đang quờ quạng ở cổ, xuyên vào hõm vai gần cổ và chạy dọc theo chiều cơ thể đang cúi, chạy đến vùng thắt lưng thì hết đà, nằm lại gần viên đạn thứ nhất. Như vậy 2 viên đạn gây ra 3 vết thương. Phương chỉ kịp hô lên yếu ớt “cướp, cướp, cứu với”, trước khi chết. Đó là lúc mà 2 anh xe ôm xuất hiện.
Viên đạn bắn vào gần cổ phải là viên đạn thứ hai, khi Phương đang gục xuống do bị viên đạn thứ nhất bắn vào ngực. Nếu đó là viên đạn thứ nhất, có nghĩa là được bắn vào người Phương khi em đang khỏe mạnh, tức đang đứng thẳng người, thì chắc chắn viên đạn này sẽ xuyên qua cổ để chui ra ngoài, chứ không chui dọc cơ thể và nằm lại gần thắt lưng được.
Nếu súng cướp cò, thì chỉ cướp cò một phát. Còn nếu cướp cò tới 2 phát, thì không thể có 2 vết thương cách nhau khá xa như vậy. Em Phương dáng người nhỏ bé, chỉ cao hơn 1,5 mét. Còn viên cảnh sát Dương thì khá cao to, lực lưỡng, nguyên là cầu thủ bóng đá. Thật khó mà tin được có chuyện Phương dám cướp súng của Dương.
Tại phiên tòa, Dương cố làm động tác bị em Phương “giằng co”, bẻ tay. Người ta thấy chỉ có người to khỏe hơn Dương, mới có thể bẻ quặt tay Dương được như vậy. Nhưng em Phương thì rất nhỏ bé, yếu ớt. Mà dù em Phương có biết võ, thì em Phương cướp súng của Dương để làm gì? Và tại sao Dương lại rút súng ra để cho em Phương cướp? Những câu hỏi này Dương không trả lời được.
Cuộc họp báo nhã ý…!
Sở Công an Hà Nội tổ chức một cuộc họp báo, mời đông đảo các báo ở Hà Nội, trung ương và địa phương đến dự nhằm giải thích về vụ án cầu Chương Dương. Cuộc họp báo được tổ chức ở số 42 Hàng Bài, trụ sở của Tổng cục Cảnh sát.
Đại diện của Công an Hà Nội trình bày một số diễn biến của vụ án và kết luận, viên cảnh sát Nguyễn Tùng Dương đã vô ý gây chết người.
Loạt bài báo chấn động dư luận
Trước sức ép của dư luận, Bộ Công an phải trưng cầu cơ quan giám định pháp y của Bộ Quốc phòng giám định lại các vết đạn trên tử thi của em Phương vì dư luận chưa tin tưởng giám định pháp y của Công an, cũng như của Bộ Y tế. Đại tá Vũ Ngọc Thụ, Viện trưởng Viện giám định Pháp y quân đội đã tiến hành khai quật tử thi em Phương để giám định lại. Kết quả giám định đường đạn của Giáo sư Thụ là một chứng cớ có sức thuyết phục để kết tội “giết người” cho viên cảnh sát Nguyễn Tùng Dương.
Phiên toà đông nhất từ trước đến nay
Tháng 5/1994, phiên tòa sơ thẩm đã được mở tại Hà Nội để xét xử bị cáo Nguyễn Tùng Dương. Hàng vạn người dân đã tụ tập ở trụ sở Tòa án Hà Nội để theo dõi phiên tòa. Chỉ những người có giấy mời của tòa mới được vào trong phòng xử án. Bên ngoài, tòa án đã bắc loa để nhân dân có điều kiện theo dõi. Tại phiên sơ thẩm, tòa án cho rằng chưa đủ chứng cứ buộc tội Nguyễn Tùng Dương, nên trả hồ sơ cho viện kiểm sát, yêu cầu điều tra bổ sung.
5 tháng sau, vào tháng 10/1994, phiên tòa sơ thẩm được mở lại để xét xử bị cáo Nguyễn Tùng Dương. Và lần này thì bản án là “tử hình” về tội giết người đã được tuyên. Về tội cướp thì tòa cho rằng không đủ chứng cứ để kết luận.
Nguồn: Dân trí