cty

phone volume Mobile: 09681285 99
email 4096 black EMail: Luatsuphanvu@gmail.com

Những điểm mới Bộ luật dân sự 2015 - Phần II

Những điểm mới Bộ luật dân sự 2015 - Phần II (tiếp)

PHẦN THỨ HAI:QUYỀN SỞ HỮU VÀ QUYỀN KHÁC ĐỐI VỚI TÀI SẢN

Chương XI: Quy định chung

111. Quyền khác đối với tài sản

 

Đây là điểm mới của BLDS 2015 có liên quan đến quyền tài sản.

-Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.

-Quyền khác đối với tài sản bao gồm:

+Quyền đối với BĐS liền kề.

+ Quyền hưởng dụng.

+ Quyền bề mặt.

(Căn cứ Điều 159 Bộ luật dân sự 2015)

112.Nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

Quy định chặt chẽ hơn nguyên tắc thực hiện quyền này như sau:

-Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được xác lập, thực hiện trong trường hợp BLDS 2015, luật khác có liên quan quy định.

Quyền khác đối với tài sản vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển giao, trừ trường hợp BLDS 2015, luật khác có liên quan quy định khác.

(Quy định luôn cả hướng xử lý đối với trường hợp chuyển giao quyền sở hữu tài sản)

- Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

-Chủ thể có quyền khác đối với tài sản được thực hiện mọi hành vi trong phạm vi quyền được quy định tại BLDS 2015, luật khác có liên quan nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản hoặc của người khác.

(Căn cứ Điều 160 Bộ luật dân sự 2015)

113.Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

Nêu rõ thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản – một quy định mà BLDS 2005 chưa đề cập.

-Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của BLDS 2015, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao.

Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản.

-Trường hợp tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên có tài sản chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

(Căn cứ Điều 161 Bộ luật dân sự 2015)

114.Chịu rủi ro về tài sản

Bao hàm tất cả các trường hợp chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải chịu rủi ro, không riêng gì rủi ro về tài sản bị tiêu hủy, hư hỏng hay sự kiện bất khả kháng.

-Chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc BLDS 2015, luật khác có liên quan quy định khác.

-Chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải chịu rủi ro về tài sản trong phạm vi quyền của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác với chủ sở hữu tài sản hoặc BLDS 2015, luật khác có liên quan quy định khác.

(Căn cứ Điều 162 Bộ luật dân sự 2015)

115.Bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

- Quy định luôn cả việc bảo vệ quyền khác đối với tài sản:

Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luậtquyền sở hữu,quyền khácđối với tài sản.

- Giá bồi thường trong trưng mua, trưng dụng là giá thị trường

Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.

(Căn cứ Điều 163 Bộ luật dân sự 2015)

116.Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

Về bản chất không thay đổi so với BLDS 2005, tuy nhiên, bổ sung thêm biện pháp bảo vệ quyền khác đối với tài sản cho các chủ thể có quyền này.

(Căn cứ Điều 164 Bộ luật dân sự 2015)

117.Chiếm hữu có căn cứ pháp luật

Bổ sung thêm quy định nhấn mạnh các loại chiếm hữu không có căn cứ pháp luật:

Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định chiếm hữu có căn cứ pháp luật là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.

(Căn cứ Điều 165 Bộ luật dân sự 2015)

118.Quyền đòi lại tài sản

- Bổ sung thêm quyền đòi lại tài sản của chủ thể có quyền khác đối với tài sản:

Chủ sở hữu,chủ thể có quyền khác đối với tài sảncó quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

- Thêm quy định về việc đòi lại tài sản:

Chủ sở hữukhông có quyềnđòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.

(Căn cứ Điều 166 Bộ luật dân sự 2015)

119.Quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình

Quy định lại nội dung như sau:

Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình, trừ trường hợp sau:

“Trường hợp GDDS vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một GDDS khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.”

(Căn cứ Điều 168 Bộ luật dân sự 2015)

120.Quyền yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

Thay cụm từ“quyền chiếm hữu hợp pháp”thành cụm từ“quyền khác đối với tài sản”,các nội dung còn lại không thay đổi so với BLDS 2005.

(Căn cứ Điều 169 Bộ luật dân sự 2015)

121.Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại

Thay cụm từ“người quyền chiếm hữu hợp pháp”thành cụm từ“chủ thể có quyền khác đối với tài sản”,các nội dung còn lại không thay đổi so với BLDS 2005.

(Căn cứ Điều 170 Bộ luật dân sự 2015)

122.Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản trong trường hợp xảy ra tình thế cấp thiết

Thêm cụm từ“chủ thể có quyền khác đối với tài sản”bên cạnh cụm từ“chủ sở hữu”.Nghĩa là chủ thể có quyền khác đối với tài sản cũng có quyền và nghĩa vụ tương tự chủ sở hữu.

(Căn cứ Điều 171 Bộ luật dân sự 2015)

123.Nghĩa vụ bảo vệ môi trường; tôn trọng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; tôn trọng quy tắc xây dựng

Nghĩa vụ này cũng được áp dụng đối với trường hợp thực hiện quyền khác đối với tài sản.

(Căn cứ Điều 172, 173, 174 Bộ luật dân sự 2015)

124.Ranh giới giữa các bất động sản

Bổ sung quy định sau:

Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.

(Căn cứ Điều 175 Bộ luật dân sự 2015)

125.Mốc giới ngăn cách các bất động sản

Thêm cụm từ“trồng cây” bên cạnh các cụm từ “cột mốc, hàng rào”.

(Căn cứ Điều 176 Bộ luật dân sự 2015)

126.Bảo đảm an toàn trong trường hợp cây cối, công trình có nguy cơ gây thiệt hại

Quy định cụ thể chặt chẽ hơn so với BLDS 2005:

-Trường hợp cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ xuống BĐS liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây, sửa chữa hoặc dỡ bỏ công trình xây dựng đó theo yêu cầu của chủ sở hữu BĐS liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nếu không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu BĐS liền kề và xung quanh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây, phá dỡ. Chi phí chặt cây, phá dỡ do chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng chịu.

- Khi đào giếng, đào ao hoặc xây dựng công trình dưới mặt đất, chủ sở hữu công trình phải đào, xây cách mốc giới một khoảng cách do pháp luật về xây dựng quy định.

Khi xây dựng công trình vệ sinh, kho chứa chất độc hại và các công trình khác mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường thì chủ sở hữu tài sản đó phải xây cách mốc giới một khoảng cách và ở vị trí hợp lý, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn và không làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu BĐS khác.

- Trường hợp gây thiệt hại cho chủ sở hữu BĐS liền kề và xung quanh quy định trên thì chủ sở hữu cây cối, công trình phải bồi thường.

(Căn cứ Điều 177 Bộ luật dân sự 2015)

Chương XII: Chiếm hữu

127.Khái niệm chiếm hữu

- Làm rõ khái niệm chiếm hữu:

Đó là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản.

- Phân loại chiếm hữu:

Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu.

Việc chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu không thể là căn cứ xác lập quyền sở hữu,trừtrường hợp sau:

+Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu.

+ Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy.

+Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên.

+Xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc.

+ Xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc.

+Xác lập quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước.

+Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật

(Căn cứ Điều 179 Bộ luật dân sự 2015)

128.Chiếm hữu ngay tìnhvà chiếm hữu không ngay tình

Quy định rõ thế nào là chiếm hữu ngay tình và thế nào được xem là chiếm hữu không ngay tình:

- Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu.

- Chiếm hữu không ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu biết hoặc phải biết rằng mình không có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu.

(Căn cứ Điều 180, 181 Bộ luật dân sự 2015)

129.Chiếm hữu liên tục

Ngoài trường hợp chiếm hữu trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về quyền đối với tài sản đó thì trường hợp có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác cũng được xem là chiếm hữu liên tục:

- Chiếm hữu liên tục là việc chiếm hữu được thực hiện trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về quyền đối với tài sản đóhoặc có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, kể cả khi tài sản được giao cho người khác chiếm hữu.

- Việc chiếm hữu không liên tục không được coi là căn cứ để suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu theo quy định.(sẽ đề cập sau)

(Căn cứ Điều 182 Bộ luật dân sự 2015)

130.Chiếm hữu công khai

Thêm quy định sau:

Việc chiếm hữu không công khai không được coi là căn cứ để suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữutheo quy định.(sẽ đề cập sau)

(Căn cứ Điều 183 Bộ luật dân sự 2015)

131.Suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu

Đây là quy định mới tại BLDS 2015:

- Người chiếm hữu được suy đoán là ngay tình; người nào cho rằng người chiếm hữu không ngay tình thì phải chứng minh.

- Trường hợp có tranh chấp về quyền đối với tài sản thì người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền đó. Người có tranh chấp với người chiếm hữu phải chứng minh về việc người chiếm hữu không có quyền.

- Người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai được áp dụng thời hiệu hưởng quyền và được hưởng hoa lợi, lợi tức mà tài sản mang lại theo quy định của BLDS 2015 và luật khác có liên quan.

(Căn cứ Điều 184 Bộ luật dân sự 2015)

132.Bảo vệ việc chiếm hữu

Quy định mới được đề cập tại BLDS 2015 nhằm đảm bảo quyền lợi cho việc chiếm hữu.

Trường hợp việc chiếm hữu bị người khác xâm phạm thì người chiếm hữu có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và BTTH hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và BTTH.

(Căn cứ Điều 185 Bộ luật dân sự 2015)

Chương XIII: Quyền sở hữu

133.Quyền sử dụng

Thêm quy định sau:

Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật.

(Căn cứ Điều 189 Bộ luật dân sự 2015)

134.Quyền định đoạt

Thêm một số nội dung tại quyền này:

Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu,tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.

(Căn cứ Điều 192 Bộ luật dân sự 2015)

135.Điều kiện thực hiện quyền định đoạt

Ngoài các quy định về điều kiện thực hiện quyền định đoạt như BLDS 2005, BLDS 2015 bổ sung quy định sau:

Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiệnkhông trái quy định pháp luật.

(Căn cứ Điều 193 Bộ luật dân sự 2015)

136.Quyền định đoạt của chủ sở hữu

Tương ứng với khái niệm quyền định đoạt, quyền định đoạt của chủ sở hữu bổ sung thêm cụm từ “tiêu dùng, tiêu hủy”

Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu,tiêu dùng, tiêu hủyhoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định pháp luật đối với tài sản.

(Căn cứ Điều 194 Bộ luật dân sự 2015)

137.Tài sản thuộc sở hữu toàn dân

Trước đây, quy định này là tài sản thuộc hình thức sở hữu Nhà nước, nay đổi tên thành tài sản thuộc sở hữu toàn dân nhằm nhấn mạnh quyền sở hữu của toàn dân.

Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

(Căn cứ Điều 197 Bộ luật dân sự 2015)

138. Thực hiện các quyền đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân

Tương ứng với khái niệm trên, thay các cụm từ “tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước” bằng cụm từ “tài sản thuộc sở hữu toàn dân” tại các quy định sau:

-Thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân:

+ Nhà nước CHXHCNVN là đại diện, thực hiện quyền của chủ sở hữu đối vớitài sản thuộc sở hữu toàn dân.

+Chính phủ thống nhất quản lý và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và tiết kiệmtài sản thuộc sở hữu toàn dân.

-Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu toàn dân

Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạttài sản thuộc sở hữu toàn dânđược thực hiện trong phạm vi và theo trình tự do pháp luật quy định.

-Thực hiện quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản được đầu tư vào doanh nghiệp

+ Khitài sản thuộc sở hữu toàn dânđược đầu tư vào doanh nghiệp thì Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản đó theo quy định pháp luật về doanh nghiệp,quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

-Doanh nghiệp thực hiện việc quản lý, sử dụng vốn, đất đai, tài nguyên và các tài sản khác do Nhà nước đầu tưtheo quy định của pháp luật có liên quan. (trước đây chỉ thực hiện theo pháp luật về doanh nghiệp)

- Thực hiện quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản được giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân

+ Khitài sản thuộc sở hữu toàn dânđược giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân thì Nhà nước thực hiện quyền kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản đó.

+ Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân thực hiện việc quản lý, sử dụng đúng mục đích, theo quy định của pháp luật đối với tài sản được Nhà nước giao.

- Thực hiện quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản được giao cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp

+ Khitài sản thuộc sở hữu toàn dânđược giao cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thì Nhà nước thực hiện quyền kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản đó.

+ Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện việc quản lý, sử dụng tài sản được Nhà nước giao đúng mục đích, phạm vi, theo cách thức, trình tự do pháp luật quy định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được quy định trong điều lệ.

- Quyền của cá nhân, pháp nhân đối với việc sử dụng, khai thác tài sản thuộc sở hữu toàn dân

Cá nhân, pháp nhân được sử dụng đất, khai thác nguồn lợi thuỷ sản, tài nguyên thiên nhiên và các tài sản khác thuộc sở hữu toàn dân đúng mục đích, có hiệu quả, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định pháp luật.

- Tài sản thuộc sở hữu toàn dân chưa được giao cho cá nhân, pháp nhân quản lý

Đối vớitài sản thuộc sở hữu toàn dânmà chưa được giao cho cá nhân, pháp nhân quản lý thì Chính phủ tổ chức thực hiện việc bảo vệ, điều tra, khảo sát và lập quy hoạch đưa vào khai thác.

(Căn cứ Điều 198, 199, 200, 201, 202, 203, 204 Bộ luật dân sự 2015)

139.Sở hữu riêng và tài sản thuộc sở hữu riêng

Trước đây, quy định này được gọi là “sở hữu tư nhân” thay vì gọi là “sở hữu riêng”, quy định này nhằm bao trùm hết các đối tượng được quyền sở hữu riêng, đó là cá nhân và pháp nhân.

-Sở hữu riêng là sở hữu của một cá nhân hoặc một pháp nhân.

-Tài sản hợp pháp thuộc sở hữu riêng không bị hạn chế về số lượng, giá trị.

(Căn cứ 205 Bộ luật dân sự 2015)

140.Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng

Bản chất nội dung không đổi, thay cụm từ“sở hữu tư nhân”thành cụm từ“sở hữu riêng”.

- Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộcsở hữu riêngnhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích kháckhông trái pháp luật.

- Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộcsở hữu riêngkhông được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

(Căn cứ 206 Bộ luật dân sự 2015)

141.Sở hữu chung của cộng đồng

Khẳng định bản chất tài sản chung của cộng đồng:

Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhấtkhông phân chia.

(Căn cứ 211 Bộ luật dân sự 2015)

142.Sở hữu chung của vợ chồng

- Khẳng định bản chất tài sản chung của vợ chồng:

Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhấtcó thể phân chia.

- Bổ sung thêm quy định sau:

Trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận theo quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được áp dụng theo chế độ tài sản này.

(Căn cứ 213 Bộ luật dân sự 2015)

143.Sở hữu chung trong nhà chung cư

Thêm một số quy định cần thiết trong việc sở hữu chung trong nhà chung cư:

- Phần diện tích, trang thiết bị và các tài sản khác dùng chung trong nhà chung cưtheo quy định của Luật nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất của tất cả chủ sở hữu các căn hộ trong nhà đóvà không phân chia, trừ trường hợp luật có quy định khác hoặc tất cả các chủ sở hữu có thoả thuận khác.

- Chủ sở hữu các căn hộ trong nhà chung cư có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong việc quản lý, sử dụng tài sản quy định trên,trừ trường hợp luật có quy định khác hoặc có thỏa thuận khác.

- Trường hợp nhà chung cư bị tiêu huỷ thì quyền của chủ sở hữu căn hộ chung cư thực hiện theo quy định của luật.

(Căn cứ 214 Bộ luật dân sự 2015)

144.Định đoạt tài sản chung

- Bổ sung quy định sau:

Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung.

- Phân định rõ trường hợp từ bỏ phần quyền sở hữu đối với bất động sản, động sản:

+ Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với BĐS từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.

+ Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu còn lại.

- Đồng thời, thêm quy định cho trường hợp tất cả các chủ sở hữu chung từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản chung:

Trường hợp tất cả các chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản chung thì việc xác lập quyền sở hữu được áp dụng theo quy định vềxác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu.

(Căn cứ 218 Bộ luật dân sự 2015)

145. Chia tài sản thuộc sở hữu chung

Quy định rõ nội dung của việc chia tài sản thuộc sở hữu chung, đồng thời không thể chia bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình:

Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung;nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luậtthì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vậtthì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.

Các nội dung còn lại không thay đổi.

(Căn cứ 219 Bộ luật dân sự 2015)

146. Căn cứ xác lập quyền sở hữu

Thêm căn cứ xác lập quyền sở hữu sau:

-Do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.

- Được chuyển quyền sở hữu bản án, quyết định của Tòa án.

- Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy.

(Căn cứ 221 Bộ luật dân sự 2015)

147.Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản có được từ lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ

Không thay đổi so với trước, bổ sung thêm cụm từ“hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ” sau cụm từ “hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp”

Bổ sung thêm nội dung sau:

Người tiến hành hoạt động sáng tạo có quyền sở hữu đối với tài sản có được từ hoạt động sáng tạo theo Luật sở hữu trí tuệ.

(Căn cứ 222 Bộ luật dân sự 2015)

148.Xác lập quyền sở hữu theo hợp đồng

Thay cụm từ “thỏa thuận” thành cụm từ “hợp đồng”:Người được giao tài sản thông qua hợp đồng mua bán, tặng cho, trao đổi,cho vay hoặc hợp đồng chuyển quyền sở hữu kháctheo quy định pháp luật thì có quyền sở hữu tài sản đó.

(Căn cứ 223 Bộ luật dân sự 2015)

149.Xác lập quyền sở hữu trong trường hợp sáp nhập

Thêm quyền khác theo quy định pháp luật bên cạnh các quyền đã được quy định tại BLDS 2005 đối với các trường hợp sau:

- Khimột người sáp nhập tài sản là động sản của người khác vào tài sản là động sản của mình, mặc dù đã biết hoặc phải biết tài sản đó không phải là của mình và cũng không được sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản bị sáp nhập.

-Khi một người sáp nhập tài sản là động sản của người khác vào tài sản là BĐS của mình, mặc dù đã biết hoặc phải biết tài sản đó không phải là của mình và cũng không được sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản bị sáp nhập.

Đồng thời thêm quy định sau:

Khi một người sáp nhập tài sản là động sản của mình vào một BĐS của người khác thì chủ sở hữu BĐS có quyền yêu cầu người sáp nhập dỡ bỏ tài sản sáp nhập trái phép và BTTH hoặc giữ lại tài sản và thanh toán cho người sáp nhập giá trị tài sản sáp nhập, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

(Căn cứ 225 Bộ luật dân sự 2015)

150. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu

Người đang quản lý tài sản vô chủ là động sản thì cũng có quyền sở hữu tài sản đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:

Người đã phát hiện,người đang quản lý tài sản vô chủlà động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó, trừ trường hợp luật có quy định khác; nếu tài sản là bất động sản thì thuộc về Nhà nước.

(Căn cứ 228 Bộ luật dân sự 2015)

151. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy

Bổ sung thêm quy định sau:

Người phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định pháp luật.

(Căn cứ 229 Bộ luật dân sự 2015)

152.Xác lập quyền sở hữu theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác

Thêm cụm từ “có hiệu lực pháp luật” sau cụm từ “bản án, quyết định” nhằm nhấn mạnh quyền sở hữu chỉ được xác lập khi các bản án, quyết định này có hiệu lực pháp luật:

Quyền sở hữu có thể được xác lập căn cứ vào bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

(Căn cứ 235 Bộ luật dân sự 2015)

153.Căn cứ chấm dứt quyền sở hữu

Thêm căn cứ để chấm dứt quyền sở hữu bên cạnh các căn cứ đã được quy định tại BLDS 2005:

- Tài sản đã được tiêu dùng.

(Căn cứ 237 Bộ luật dân sự 2015)

154.Tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác

Bổ sung trường hợp được xem là tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác:

Tài sản không xác định được chủ sở hữu;tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc; vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác theo quy định nêu trên thì quyền sở hữu của những người có tài sản đó chấm dứt.

(Căn cứ 240 Bộ luật dân sự 2015)

155.Tài sản được tiêu dùng hoặc bị tiêu huỷ

Bổ sung trường hợp tài sản được tiêu dùng:

Khi tài sản được tiêu dùng hoặc bị tiêu huỷ thì quyền sở hữu đối với tài sản đó chấm dứt.

(Căn cứ 242 Bộ luật dân sự 2015)

156.Tài sản bị trưng mua

Bao hàm tất cả trường hợp tài sản bị trưng mua thay vì chỉ quy định vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia:

Trường hợp Nhà nước trưng mua tài sản theo quy định của luật thì quyền sở hữu đối với tài sản của chủ sở hữu đó chấm dứt kể từ thời điểm quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật.

(Căn cứ 243 Bộ luật dân sự 2015)

Chương XIV: Quyền khác đối với tài sản

157.Quyền đối với bất động sản liền kề

Quyền đối với BĐS liền kề không chỉ là quyền sử dụng như BLDS 2005 đã quy định:

Quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền).

(Căn cứ 245 Bộ luật dân sự 2015)

158.Căn cứ xác lập quyền đối với bất động sản liền kề

Quyền đối với BĐS liền kề được xác lập không chỉ dựa trên nguyên tắc thỏa thuận, quy định pháp luật mà còn dựa trên địa thế tự nhiên hoặc theo di chúc.

(Căn cứ 246 Bộ luật dân sự 2015)

159.Hiệu lực của quyền đối với bất động sản liền kề

Đây là quy định mới tại BLDS 2015:

Quyền đối với BĐS liền kề có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân và được chuyển giao khi BĐS được chuyển giao, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

(Căn cứ 247 Bộ luật dân sự 2015)

160.Nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề

Để đảm bảo quyền đối BĐS liền kề, thì phải đặt ra những nguyên tắc nhất định:

Việc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề theo thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thực hiện theo các nguyên tắc sau:

- Bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác BĐS hưởng quyền phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền.

- Không được lạm dụng quyền đối với BĐS chịu hưởng quyền.

- Không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với BĐS hưởng quyền trở nên khó khăn.

(Căn cứ 248 Bộ luật dân sự 2015)

161.Thay đổi việc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề

Đây là quy định mới tại BLDS 2015:

Trường hợp có sự thay đổi về sử dụng, khai thác BĐS chịu hưởng quyền dẫn đến thay đổi việc thực hiện quyền đối với BĐS hưởng quyền thì chủ sở hữu BĐS chịu hưởng quyền phải thông báo trước cho chủ sở hữu BĐS hưởng quyền trong một thời hạn hợp lý.

Chủ sở hữu BĐS chịu hưởng quyền phải tạo điều kiện thuận lợi cho chủ sở hữu BĐS hưởng quyền phù hợp với thay đổi này.

(Căn cứ 249 Bộ luật dân sự 2015)

162.Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước mưa

Không chỉ chủ sở hữu nhà mà chủ sở hữu công trình xây dựng khác cũng phải có trách nhiệmlắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà, công trình xây dựng của mình không được chảy xuống BĐS của chủ sở hữu BĐS liền kề.

(Căn cứ 250 Bộ luật dân sự 2015)

163.Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải

Thêm đối tượng là chủ sở hữu công trình xây dựng khác như quy định về nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải.

Đồng thời vị trí không được để nước thải chảy tràn sang BĐS của chủ sở hữu BĐS liền kề, ra đường công cộng vàcả nơi sinh hoạt công cộng.

(Căn cứ 251 Bộ luật dân sự 2015)

164.Quyền về lối đi qua

Sửa đổi, bổ sung các nội dung sau:

- Chủ sở hữu có BĐS bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không cóhoặc không đủ lối đi ra đường công cộng,có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu BĐS hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu BĐS chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

(Căn cứ Khoản 1 Điều 254 Bộ luật dân sự 2015)

165.Chấm dứt quyền đối với bất động sản liền kề

Quy định lại nội dung phần này như sau:

Quyền đối với BĐS liền kề chấm dứt trong trường hợp sau:

- BĐS hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền thuộc quyền sở hữu của một người.

- Việc sử dụng, khai thác BĐS không còn làm phát sinh nhu cầu hưởng quyền.

- Theo thỏa thuận của các bên.

- Trường hợp khác theo quy định của luật.

(Căn cứ Điều 256 Bộ luật dân sự 2015)

Quyền hưởng dụng là quyền mới liên quan đến quyền tài sản, vì vậy các nội dung nêu tại mục 166 đến mục 175 là nội dung hoàn toàn mới tại BLDS 2015.

166.Quyền hưởng dụng

Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định.

(Căn cứ Điều 257 Bộ luật dân sự 2015)

167.Căn cứ xác lập quyền hưởng dụng

Quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của luật, theo thoả thuận hoặc theo di chúc.

(Căn cứ Điều 258 Bộ luật dân sự 2015)

168.Hiệu lực của quyền hưởng dụng

Quyền hưởng dụng được xác lập từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.

Quyền hưởng dụng đã được xác lập có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

(Căn cứ Điều 259 Bộ luật dân sự 2015)

169. Thời hạn của quyền hưởng dụng

-Thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật quy định nhưng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân và đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng tối đa 30 năm nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân.

-Người hưởng dụng có quyền cho thuê quyền hưởng dụng trong thời hạn nêu trên.

(Căn cứ Điều 260 Bộ luật dân sự 2015)

170. Quyền của người hưởng dụng

-Tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng.

-Yêu cầu chủ sở hữu tài sản thực hiện nghĩa vụ sửa chữa đối với tài sản để bảo đảm không bị suy giảm đáng kể dẫn tới tài sản không thể sử dụng được hoặc mất toàn bộ công dụng, giá trị của tài sản.

Trường hợp thực hiện nghĩa vụ thay cho chủ sở hữu tài sản thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu tài sản hoàn trả chi phí.

-Cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản.

(Căn cứ Điều 261 Bộ luật dân sự 2015)

171.Nghĩa vụ của người hưởng dụng

-Tiếp nhận tài sản theo hiện trạng và thực hiện đăng ký nếu luật có quy định.

-Khai thác tài sản phù hợp với công dụng, mục đích sử dụng của tài sản.

-Giữ gìn, bảo quản tài sản như tài sản của mình.

-Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo định kỳ để bảo đảm cho việc sử dụng bình thường; khôi phục tình trạng của tài sản và khắc phục các hậu quả xấu đối với tài sản do việc không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật hoặc theo tập quán về bảo quản tài sản.

-Hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu khi hết thời hạn hưởng dụng.

(Căn cứ Điều 262 Bộ luật dân sự 2015)

172.Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản

-Định đoạt tài sản nhưng không được làm thay đổi quyền hưởng dụng đã được xác lập.

-Yêu cầu Tòa án truất quyền hưởng dụng trong trường hợp người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình.

-Không được cản trở, thực hiện hành vi khác gây khó khăn hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng dụng.

-Thực hiện nghĩa vụ sửa chữa tài sản để bảo đảm không bị suy giảm đáng kể dẫn tới tài sản không thể sử dụng được hoặc mất toàn bộ công dụng, giá trị của tài sản.

(Căn cứ Điều 263 Bộ luật dân sự 2015)

173.Quyền hưởng hoa lợi, lợi tức

-Người hưởng dụng có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng trong thời gian quyền này có hiệu lực.

-Trường hợp quyền hưởng dụng chấm dứt mà chưa đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức thì khi đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức, người hưởng dụng được hưởng giá trị của hoa lợi, lợi tức thu được tương ứng với thời gian người đó được quyền hưởng dụng.

(Căn cứ Điều 264 Bộ luật dân sự 2015)

174.Chấm dứt quyền hưởng dụng

Các trường hợp chấm dứt quyền hưởng dụng:

-Thời hạn của quyền hưởng dụng đã hết.

- Theo thỏa thuận của các bên.

- Người hưởng dụng trở thành chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng.

- Người hưởng dụng từ bỏ hoặc không thực hiện quyền hưởng dụng trong thời hạn do luật quy định.

- Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không còn.

- Theo quyết định của Tòa án.

- Căn cứ khác theo quy định của luật.

(Căn cứ Điều 265 Bộ luật dân sự 2015)

175.Hoàn trả tài sản khi chấm dứt quyền hưởng dụng

Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng phải được hoàn trả cho chủ sở hữu khi chấm dứt quyền hưởng dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

(Căn cứ Điều 266 Bộ luật dân sự 2015)

Tương ứng với quyền hưởng dụng, quyền bề mặt cũng là quyền mới liên quan đến quyền tài sản được BLDS 2015 thừa nhận. Do vậy, các nội dung được nêu từ mục 176 đến mục 182 là nội dung hoàn toàn mới tại BLDS 2015.

176. Quyền bề mặt

Quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác.

(Căn cứ Điều 267 Bộ luật dân sự 2015)

177.Căn cứ xác lập quyền bề mặt

Quyền bề mặt được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc.

(Căn cứ Điều 268 Bộ luật dân sự 2015)

178.Hiệu lực của quyền bề mặt

Quyền bề mặt có hiệu lực từ thời điểm chủ thể có quyền sử dụng đất chuyển giao mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất cho chủ thể có quyền bề mặt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.

Quyền bề mặt có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

(Căn cứ Điều 269 Bộ luật dân sự 2015)

179.Thời hạn của quyền bề mặt

-Thời hạn của quyền bề mặt được xác định theo quy định của luật, theo thoả thuận hoặc di chúc nhưng không vượt quá thời hạn của quyền sử dụng đất.

-Trường hợp thoả thuận hoặc di chúc không xác định thời hạn của quyền bề mặt thì mỗi bên có quyền chấm dứt quyền này bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên kia biết trước ít nhất là 06 tháng.

(Căn cứ Điều 270 Bộ luật dân sự 2015)

180.Nội dung của quyền bề mặt

-Chủ thể quyền bề mặt có quyền khai thác, sử dụng mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc quyền sử dụng đất của người khác để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác nhưng không được trái với quy định của BLDS 2015, pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên, khoáng sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

-Chủ thể quyền bề mặt có quyền sở hữu đối với tài sản được tạo lập theo quy định nêu trên.

-Trường hợp quyền bề mặt được chuyển giao một phần hoặc toàn bộ thì chủ thể nhận chuyển giao được kế thừa quyền bề mặt theo điều kiện và trong phạm vi tương ứng với phần quyền bề mặt được chuyển giao.

(Căn cứ Điều 271 Bộ luật dân sự 2015)

181.Chấm dứt quyền bề mặt

Các trường hợp chấm dứt quyền bề mặt:

-Thời hạn hưởng quyền bề mặt đã hết.

- Chủ thể có quyền bề mặt và chủ thể có quyền sử dụng đất là một.

- Chủ thể có quyền bề mặt từ bỏ quyền của mình.

- Quyền sử dụng đất có quyền bề mặt bị thu hồi theo quy định của Luật đất đai.

- Theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của luật.

(Căn cứ Điều 272 Bộ luật dân sự 2015)

182.Xử lý tài sản khi quyền bề mặt chấm dứt

-Khi quyền bề mặt chấm dứt, chủ thể quyền bề mặt phải trả lại mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất cho chủ thể có quyền sử dụng đất theo thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật.

-Chủ thể quyền bề mặt phải xử lý tài sản thuộc sở hữu của mình trước khi quyền bề mặt chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp chủ thể quyền bề mặt không xử lý tài sản trước khi quyền bề mặt chấm dứt thì quyền sở hữu tài sản đó thuộc về chủ thể có quyền sử dụng đất kể từ thời điểm quyền bề mặt chấm dứt, trừ trường hợp chủ thể có quyền sử dụng đất không nhận tài sản đó.

Trường hợp chủ thể có quyền sử dụng đất không nhận tài sản mà phải xử lý tài sản thì chủ thể có quyền bề mặt phải thanh toán chi phí xử lý tài sản.

(Căn cứ Điều 273 Bộ luật dân sự 2015)

(Còn nữa)

Copy by LuatThienVu

  • 10
  • 8
  • 6
  • 9
  • 2
  • 3
  • 11
  • 1
  • 7
  • 5
  • 4

THIEN VU LAWFIRM
Tel No : + 84-9681285 99 Fax : + 84 - 37 835 178
Mobile: 0968 128 599
EMail:- Luatsuphanvu@gmail.com
Hanoi Office
No : 59/165 Duong Quang Ham,Cau Giay, TP Ha Noi
VPDD: Phòng 2501 tòa HH2 Bắc Hà, số 15 Tố Hữu, ‎
phường Trung Văn, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội

Đăng ký nhận tin

Họ & Tên(*)
Invalid Input

Email(*)
Invalid Input