Quy định có hiệu lực từ tháng 10/2021
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; các tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí khi thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2021.
Nhiều hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
Có hiệu lực từ ngày 15/10/2021, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ban hành ngày 26/08/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó quy định hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.
Nghị định quy định cụ thể nội dung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo gồm: Hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu; hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo.
Trong đó, hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 20 triệu đồng/năm/DN; hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê mặt bằng tại các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 5 triệu đồng/tháng/DN. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 năm kể từ ngày DN ký hợp đồng thuê mặt bằng.
Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn quản lý và phát triển các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/DN; hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn xác lập chuyển giao, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/DN...
Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thử nghiệm sản phẩm mới tại các đơn vị, tổ chức thử nghiệm sản phẩm hàng hóa nhưng không quá 30 triệu đồng/năm/DN; hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/DN...
Các tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí khi thiên tai, dịch bệnh
Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo có hiệu lực từ ngày 15/10/2021, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố; tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng.
Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Đối tượng áp dụng là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2021.
Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hằng tháng.
Mức hỗ trợ từ 1,8 triệu đến 3,3 triệu đồng/người trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19
Đối tượng áp dụng là người sử dụng lao động quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 01 tháng 10 năm 2021.
Mức giảm đóng: Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Thời gian thực hiện giảm mức đóng: 12 tháng, kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2022.
*Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định 28/2021/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực từ 1/10/2021.
Cho phép thi tuyển thạc sĩ theo hình thức trực tuyến
Có hiệu lực thi hành từ 15/10/2021, Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ, thay thế Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT.
Thực hiện Luật Giáo dục đại học, Quy chế bổ sung phương thức tuyển sinh và giao cơ sở đào tạo quy định cụ thể các phương thức trên nguyên tắc bảo đảm đánh giá công bằng, khách quan và trung thực. Cơ sở đào tạo quyết định tuyển sinh theo 3 phương thức: Thi tuyển, xét tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển.
Để tuyển sinh không bị gián đoạn do dịch bệnh hay trường hợp bất khả kháng khác, Quy chế cho phép thi tuyển theo hình thức trực tuyến khi đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng để kết quả đánh giá tin cậy, công bằng như với tuyển sinh trực tiếp.
Quy định mới về trích lập dự phòng rủi ro tại tổ chức tín dụng
Theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1/10/2021, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại nợ theo 5 nhóm: Nợ đủ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn.
Thông tư quy định cụ thể tỉ lệ trích lập dự phòng đối với từng nhóm nợ như sau: Nợ đủ tiêu chuẩn 0%, nợ cần chú ý trích lập 5%, nợ dưới tiêu chuẩn trích lập 20%, nợ nghi ngờ trích lập 50% và nợ có khả năng mất vốn trích lập 100%./.
Theo chinhphu.vn